Sau ngày 31/1 hàng năm mà cơ quan tổ chức đơn vị không đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung để gửi cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp gửi đơn vị mua sắm tập trung thì không được phép mua sắm tài sản đó.
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Thanh Lan (Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long), Khoản 1, Điều 74 Nghị định số 151/2017/NĐ-CPngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định: “1. Căn cứ văn bản phân bổ dự toán của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung, gửi cơ quan quản lý cấp trên (sau đây gọi là đầu mối đăng ký mua sắm tập trung) để tổng hợp gửi đơn vị mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh trước ngày 31 tháng 01 hàng năm”.
Để phù hợp với nhu cầu thực tế ở địa phương, cơ quan của bà Lan đang tham mưu trình UBND tỉnh thời gian thực hiện mua sắm tập trung hai lần (tháng 1 và tháng 7 hàng năm) để thực hiện mua sắm cho các trường, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên.
Bà Lan hỏi, việc chia thời gian tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung như vậy có sai hay không?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Tại Khoản 1, Khoản 4, Điều 74 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định:
“Điều 74. Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung
1. Căn cứ văn bản phân bổ dự toán của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung, gửi cơ quan quản lý cấp trên (sau đây gọi là đầu mối đăng ký mua sắm tập trung) để tổng hợp gửi đơn vị mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh trước ngày 31 tháng 01 hàng năm…
4. Trường hợp quá thời hạn quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này mà cơ quan, tổ chức, đơn vị và các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh không gửi nhu cầu mua sắp tập trung đối với tài sản đã được giao dự toán mua sắm thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung thì không được phép mua sắm tài sản đó.
Trường hợp phát sinh nhu cầu mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung ngoài dự toán được giao đầu năm và đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự toán mua sắm, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định giao đơn vị mua sắm tập trung căn cứ thỏa thuận khung đã được ký kết (nếu có), quy định của pháp luật về đấu thầu để áp dụng hình thức mua sắm phù hợp hoặc giao cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu về tài sản tổ chức thực hiện mua sắm”.
Do vậy, trường hợp sau ngày 31/1 hàng năm mà cơ quan tổ chức đơn vị không đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung để gửi cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp gửi đơn vị mua sắm tập trung thì không được phép mua sắm tài sản đó.
Như vậy, việc phân chia thời gian tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung hai lần là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 74 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Trường hợp phát sinh nhu cầu mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung ngoài dự toán được giao đầu năm và đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự toán mua sắm thì cấp có thẩm quyền quyết định giao đơn vị mua sắm tập trung căn cứ thỏa thuận khung đã được ký kết (nếu có), quy định của pháp luật về đấu thầu để áp dụng hình thức mua sắm phù hợp hoặc giao cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu về tài sản tổ chức thực hiện mua sắm.